Bà Huỳnh Thị Lắm được đưa vào Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ hôm 27/8 với triệu chứng tiểu khó, gắt và ra máu, đau nhiều vùng hạ vị. 10 năm trước bà được phát hiện có sỏi bàng quang, do mắc bệnh tim mạch nên không phẫu thuật mà chỉ điều trị nội khoa.
Lần này nhập viện, kết quả siêu âm, chụp X-quang và CT cho thấy thận phải của bà ứ nước độ một, niệu quản phải giãn đến bàng quang. Có rất nhiều viên sỏi chiếm hết lòng bàng quang. Bà còn bị hẹp hở van tim 2 lá, hở van chủ, hẹp van động mạch chủ, tăng áp phổi, cao huyết áp.
Các viên sỏi được lấy ra từ bàng quang bệnh nhân. Ảnh:
Thanh Phong.
Bệnh viện đã hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa như ngoại niệu, tim mạch, phẫu thuật tim và khoa gây mê hồi sức, cân nhắc phẫu thuật cho cụ bà.
Ngày 30/8, các bác sĩ đã mổ gắp ra 14 viên sỏi dài 3-8 cm, nặng 400 g trong bàng quang bệnh nhân. Một viên sỏi dài 12 cm, ngang 10 cm, nằm trong một túi thừa bên phải bàng quang đè lên niệu quản vùng chậu phải gây ứ nước thận. Ê kíp mổ đã bóc tách túi thừa lấy viên sỏi khổng lồ này ra ngoài, cân nặng 500 g. Bệnh nhân cũng được cắt túi thừa và tạo hình bàng quang để tránh tái phát sỏi.
Cụ Lắm đang được chăm sóc tại viện. Ảnh:
Thanh Phong.
Hiện bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô.
Bác sĩ Trương Minh Khoa cho biết sỏi bàng quang nhỏ có thể tán bằng phương pháp nội soi, bệnh nhân phục hồi nhanh, chi phí điều trị ít, không để lại sẹo. Trường hợp cụ Lắm sỏi quá to nên phải mổ.
Nguyên nhân sỏi thường do ứ đọng nước tiểu lâu ngày. Để phòng ngừa, cần uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, tránh nhịn tiểu. Vận động cơ thể bằng cách tập thể dục, đi bộ, bơi và không nên ngồi, nằm một chỗ lâu.
Khi có biểu hiện rối loạn tiểu tiện (tiểu gắt, buốt hay ra máu) nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa tiết niệu để phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả, tránh biến chứng.
Cửu Long
Saturday, September 28, 2019
Viên sỏi nửa kg trong bàng quang cụ bà
2:06 AM